Học Văn Hóa - Học Kỹ Năng - Học Nghề - Khóa Học Tốt - Học Gì - Học Ở đâu- Học Như Thế Nào - Ai Nên Học

Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành

Xin chào
Bài làm
Mỗi một nhà văn thường khẳng định vị trí của mình trên diễn đàn văn chương bằng một mảnh đất nghệ thuật. Khi bắt gặp mảnh đất nghệ thuật này, ngòi bút của người nghệ sĩ sẽ thực sự thăng hoa. Nếu như Tây Bắc được xem là một “miền đất hứa” với biết bao văn sĩ như Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… thì Nam Bộ lại là mảnh đất nghệ thuật của Nguyễn Thi, Đoàn Giỏi. Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu ta không nhắc tới Nguyên Ngọc, nhà văn cả đời “trung thành” với mảnh đất đỏ badan, với tiếng cồng chiêng âm vang, hạt bụi vàng lóng lánh. Ông bén duyên với mảnh đất này từ năm 1954 với tác phẩm “Đất nước đứng lên”. “Đất nước đứng lên” kể về cuộc nổi dậy của buôn làng Kông Hoa trong những năm kháng chiến chống Pháp. Qua tác phẩm này, Nguyên Ngọc hứa hẹn là một cây bút xuất sắc viết về đề tài Tây Nguyên. Ông tỏ ra am hiểu mảnh đất này từ thiên nhiên cho tới những phong tục tập quán. Mười năm sau, ông lại có dip trở lại mảnh đất này và viết nên truyện ngắn nổi tiếng “Rừng xà nu”. Ở một phương diện nào đó, ta có thế thấy “Rừng xà nu” là sự thu nhỏ, cô đặc, chưng cất của tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Điều gì giúp cho nhà văn thể hiện được cả trăm trang tiểu thuyết chỉ trong vài mươi trang truyện ngắn. Đó là việc Nguyễn Trung Thành đã xây dựng được hình tượng cây xà nu- một loài cây chỉ có ở Tây Nguyên, một loại cây ham ánh sang đến lạ kỳ.
1. Tính quy luật của hình tượng
Có những người suốt đời lặn lội với văn chương mà chẳng để lại cho đời một áng văn hay, một bài thơ đẹp. Phải chăng họ đã không thể xây dựng một hình tượng nghệ thuật vô cùng sống động. Việc xây dựng nghệ thuật mang ý nghĩa sống còn với một người cầm bút chân chính vì họ thường chỉ sống và nói bằng hình tượng. Một sự vật, hiện tượng ở ngoài đời muốn bước vào thơ văn thì phải chân thực như ngoài đời bởi có ý kiến cho răng “ Nhân vật trong văn học đôi khi thật hơn cả con người thật, nhân vật trong văn học mang đôi cánh của văn học bước ra ngoài đời thật lại là con người thật”. Nhưng chân thực thôi thì chưa đủ, nhà văn phải nâng nó lên 1 tầm cao mới để mag tính ám chỉ, tính tượng trưng. Đây mới là cái đích của văn chương nghệ thuật. Ta có thể kể tới hình tượng con tàu tượng trưng cho khát khao lên đường của biết bao thế hệ nhà thơ
“Lũ chúng con đầu thai nhầm thế kỷ
Cả một đời u uất bơ vơ”
trong bài “tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên. Hay như hình tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh tượng trưng cho khát vọng tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ. Trong tác phẩm “Rừng xà nu, việc nhà văn xây dựng hình tượng cây xà nu cũng không nằm ngoài quy luật đó.
2 Biểu hiện cây Xà nu
2.1 Tính chân thực
“Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành là một tác phẩm xuất sắc. Yếu tố làm nên sự xuất sắc của tác phẩm này không gì khác là nhà văn đã xây dựng được hình tượng cây xà nu vô cùng chân thực, sống động. Truyện xoay quanh buôn làng Xô Man ở Tây nguyên. Ở đó có loài cây họ thong, gần giống cây Pơ mu, xa mu của miền Bắc, đó là cây xà nu. Xà nu là cây ham anh sang mặt trời, sinh sôi nảy nở rất nhanh. Bằng sự nhạy cảm về nghệ thuật, Nguyễn Trung Thành đã nắm bắt được đặc tính này và đem gắn kết với Tây Nguyên trong bom đạn chiến tranh. Đọc “Rừng xà nu” , ta có cảm giác đang đi giữa cánh rừng xà nu bạt ngàn với hương thơm ngào ngạt như đọng nắng quê hương. Ta đang đi trên con suối ẩn hiện dưới bóng xà nu. Ta thấy đâu đây những mái nhà nép mình dưới tán cây xà nu. Xà nu là loài cây gắn bó máu thịt với người dân Tây Nguyên. Con người ta sinh ra, lớn lên, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, việc nhà việc cửa cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay đều gắn kết với loại cây này. Vị trí của xà nu trong cuộc sống người dân Tây nguyên phần nào giống với cây tre của đồng bằng Bắc bộ, cây dừa của đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi một đất nước, một xứ sở cũng đều có một loại cây đặc trưng. Sang Nga,Ba Lan ta bị ám ảnh bởi loài cây Bạch Dương:
“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngân, một giọng đàn”
Đến với Nhật Bản,ta lại choáng ngợp với cây hoa anh đào tươi thắm. Còn một khi về tới Việt Nam- đất nước thiên nhiên nơi đâu cũng hóa hồn người.
“ Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Nếu bạn có dịp ra đồng bằng Bắc bộ, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh “lũy tre làng” ở khắp mọi “nơi. Cây tre gắn bó khăng khít trong cuộc sống nhân dân, từ chiếc đũa tre bình dị cho đến những cây gậy tầm vông, cây chông đánh giặc. Chả thế mà Thép Mới đã từng viết “tre ăn ở đời đời kiếp kiếp với người”…Còn khi vào thăm Nam bộ- “thành đồng Tổ Quốc”, chúng ta lại có ấn tượng đầu tiên về rặng dừa nơi đây
“Đất quê hương nát bầm vết đạn.
Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi.
Ôi phải chăng dừa nuốt bao cay đắng!
Để trổ ra những trái ngọt cho đời “
Còn một khi bạn đến với Tây Nguyên-mảnh đất đỏ badan, với tiếng cồng chiêng âm vang, hạt bụi vàng lóng lánh thì hãy nhớ tới “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành- một rừng xà nu đã ưỡn tấm ngực lớn của mình để che chở cho buôn làng Xô Man. Để hình tượng cây xà nu trở nên thuyết phục hơn, Nguyên Ngọc đã khéo léo để cho mỗi bước đi của các nhân vật đều thấp thoáng bóng cây xà nu. Trong tác phẩm này, đã hơn hai mươi lần câ xà nu hiện ra với nhiều diện mạo khác nhau: bốn lần “rừng xà nu”, năm lần “đồi xà nu”, cùng với nó là ngọn xà nu, cây xà nu, dầu xà nu, nhựa xà nu…. Mỗi lần hình ảnh cây xà nu xuất hiện là một lần tính cách của người dân Tây nguyên được bộc lộ. Nắm bắt được các đặc tính của xà nu phần nào đó ta cũng hiểu được tinh thần yêu nước bất khuất của ông cha ta, từ đó, ta tự giáo huấn lòng mình. Rất có lý khi có ý kiên cho rằng: “ Mỗi tác phẩm văn học chân chính là một lời đề nghị về cách sống”. “Mỗi một tác phẩm văn học chân chính đều có khả năng nhân đạo hóa con người”. “Rừng xà nu” là một tác phẩm như vậy
2.2 TÍnh tượng trưng của cây xà nu.
Văn học xuất phát từ cuộc đời mà đích đến của văn chương là cuộc sống. Chẳng thế mà Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “ Văn chương và cuộc đời là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người”, Hay như M.Gorki cũng nói “văn học là nhân học”. Văn học từ xưa cho tới mãi về sau cũng chỉ viết về con người mà thôi. Để phản ánh sức sống bất diệt, bền bỉ của con người Việt Nam trong chiến tranh, mỗi một người nghệ sĩ lại tự đi tìm một hình tượng khác nhau. Nếu nhà thơ Phạm Tiến Duật có “Vầng trăng và quầng lửa” thì Nguyễn Minh Châu lại có “mảnh trăng tượng tuần”. Và Nguyễn Trung Thành đã chọn hình ảnh cây xà nu. Cây xà nu trong tác phẩm này biểu trưng cho tập thể Tây Nguyên anh hùng, bất khuất. Và ở tác phẩm này, nhà văn đã mô tả cây xà nu qua nhiều phương diện.
Phương diện 1.
Ban đầu, nhà văn tập trung mô tả những hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà xà nu phải gánh chịu. Điều này chính là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đặt xà nu dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù chính là làm nổi bật lên sức sống mãnh liệt, bất diệt của xà nu. Đầu tiên, hiện lên trong mắt ta là cảnh rừng xà nu dưới tầm đại bác của giặc. “Làng nằm trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng bắn đã thành lệ, ngày hai lần: hoặc sáng sớm, hoặc chiều tối… Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương . Có những cây bị chặt đứt ngang thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Có những cây nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh gay gắt dưới ánh nắng hè, đen đặc rồi bầm quyện lại thành từng cục máu lớn”. Ở đoạn văn này, Nguyễn Trung Thành chủ yếu sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa. Nhà văn đã mô tả những thiệt hại mà rừng xà nu phải gánh chịu trong mưa bom bão đạn của quân thù. Đây cũng chính là những hi sinh, mất mát mà đồng bào Tây Nguyên nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng phải gánh chịu trong những năm chiến tranh khốc liệt. Viết về chiến tranh, Nguyên Ngọc đã không hề né tránh viết về cái chết. Đó là anh Xút bị chúng treo cổ lên cây vả đầu làng. Đó là bà Nhan bị chúng chặt đầu treo ở mũi súng. Đó là vợ con Tnú bị chúng dùng gậy sắt tra tấn đến chết. Tất cả là minh chứng cho tội ác chiến tranh của quân xâm lược, lũ bán nước. Nếu thiếu đi hiện thực khốc liệt này thì “Rừng xà nu” chỉ còn là một sự tích đẹp về chiến tranh- nói như nhà văn Đỗ Kim Hồi. Mặc dù đứng trong làn mưa bom bão đạn là vậy nhưng rừng xà nu vẫn xanh tốt, như thách thức bom đạn kẻ thù: “đạn đại bác không giết nổi chúng”. “Bên cạnh những cây mới ngã gục đã có bốn, năm cây con mọc lên,ngọn xanh rờn, hình nhọn như mũi tên vươn thẳng lên bầu trời tiếp lấy ánh sáng”. Đây chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn làm nổi bật lên sức sống mãnh liệt của xà nu. Nếu có ngã gục thì đó chính là điều kiện sống, tiền đề để thế hệ xà nu tiếp theo mọc lên. Người Tây Nguyên cũng vậy. Trong chiến tranh, họ hi sinh rất nhiều, họ phải sống rất khổ cực, khó khăn nhưng trong lòng những người dân nơi đây chỉ có hai chữ “trung thành” với cách mạng mà thôi. Cụ Mết cũng đã khẳng định chắc chắn: “Đảng còn thì núi nước này còn”. Càng gần bom đạn thì xà nu lại càng coi thường bom đạn. Bom đạn hiện ra như một hoàn cảnh thách thức bản lĩnh cứng cỏi, anh hùng của người Việt Nam trong chiến tranh. Đó là những con người
“ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt dành cho ngày gặp mặt “
Bom đạn có thể phá hủy mọi cơ sở vật chất dù có kiên cố đến đâu nhưng vẫn không bẻ gẫy được sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những con người vẫn sống, vẫn chiến đấu, vẫn yêu nhau, vẫn đợi chờ và tin tưởng một ngày toàn thắng. Điều này đã thể hiện rõ ở mỗi Tình của Mai và Tnú- những con người đã góp phần viết nên huyền thoại Việt Nam ở thế kỷ hai mươi. Không phải ngẫu nhiên khi nhà văn Nga Ni-cu-lin đã thốt lên rằng: Người Việt Nam trong chiến tranh họ đẹp hơn ra thì phải?”. Chúng ta may mắn được sinh ra trong thời bình nên không thể chứng kiến được thời kỳ “tiếng hát át tiếng bom”. Nhưng có ý kiến cho rằng: “Những gì chưa đọng lại trong đời thì đọng lại trong văn chương”. Hãy trở về với thơ ca thời kỳ lửa cháy để bắt gặp một rừng xà nu xanh tốt, bạt ngàn chạy tít tới tận chân trời. ta còn bắt gặp “Tiếng bom ở Sheng Phan” của Phạm Tiến Duật
“ Tôi đứng giữa Sheng Phan
Cao hơn tiếng bom là tiếng suối tiếng đàn
Tiếng mìn công binh đánh đá
Tiếng điếu cày rít lên thong thả
Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường
Thế đấy !
Giữa chiến trường
Tiếng bom nghe rất nhỏ”
Đứng giữa cánh rừng xà nu mãnh liệt sức sống như vậy thì bom đạn của kẻ thù cũng nhỏ như thế mà thôi.
Phương diện 2
Để khẳng định sức sống bất diệt của xà nu cũng như đồng bào Tây Nguyên trong chiến tranh, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã khéo léo xây dựng hình ảnh cây xà nu thông qua kết cấu của truyện. Ai đã từng đọc truyện ngắn “Rừng Xà nu” đều nhận thấy có hai câu văn tưởng chừng như trung lặp nhau. Đó là câu văn phần đàu tác phẩm:
-“ Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp nhau tới chân trời”
Mặc dù hàng ngày, cánh rừng xà nu ấy phải gánh chịu hai trận pháo kích của quân thù nhưng vẫn xanh tốt đến lạ kỳ. Để đến cuối tác phẩm, nhà văn tự hào viết:
-“ Ba người đứng đó nhìn ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp tới tận chân trời”.
Mới đọc qua, chúng ta có cảm giác đây là hai câu văn giống nhau nhưng nếu để ý ta sẽ thấy sự thay đổ về số lượng, cũng như chất lượng của những cây xà nu. Đây là một dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Thành Trung. Muốn hiểu được sức sống bền bỉ, dẻo dai của xà nu cũng như tinh thần yêu nước của đồng bào Tây Nguyên qua kết cấu này thì ta phải đặt chúng dưới hai góc độ không gian và thời gian.
a. Thời gian
Nếu để đồi xà nu thành rừng xà nu chạy tít tới tận chân trời thì cần có một khoảng cách về thời gian. Thời gian ấy được đo bằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc. Hai mươi mốt năm đó là hai mươi mốt thế hệ xà nu gục ngã, nhưng cùng với đó là hai mươi mốt thế hệ xà nu vươn lên đón lấy ánh sáng mặt trời. Nhìn rộng ra, đó là hai mươi mốt thế hệ đồng bào Tây Nguyên ra trận. Đó là cuộc chạy tiếp sức của hai mươi mốt thế hệ mang trong mình ngọn lửa sức sống Việt Nam. Cũng như cây xà nu ấy, người Tây Nguyên cũng truyền ngọn lửa sức sống từ đời này sang đời khác, từ lồng ngực của người già sang người trẻ.
“Lớp cha trước, lớp con sau
Cũng thành đồng chí chung câu quân hành”
Lớp lớp người Tây Nguyên ra trận ào ào như gió thổi mà ở tác phẩm này ta thấy ngọn lửa truyền từ tay anh Quyết- một Đảng viên tới tay Tnú và Mai. Rồi cuộc đời Tnú lại là tấm gương sáng cho thế hệ sau như Dít, Heng noi theo. Đó là những con người viết lên bản hùng ca của Tây Nguyên bất khuất.
“Tôi muốn viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên để viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”
b. Không gian
Nếu nhìn từ góc độ không gian, ta nhận thấy nhà văn Nguyễn Trung Thành đã chọn buôn làng Xô Man để dùng bút lực của mình viết về tập thể Tây Nguyên anh hùng. Tương ứng với làng Xô Man là những đồi xà nu cạnh con nước lớn. Tuy nhiên, càng đi sâu vào cuộc chiến tranh thì tinh thần yêu nước của đồng bào Tây nguyên không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng Xô Man nữa mà mà như sức vươn xa của cây xà nu lan rộng khắp Tây Nguyên. . Nó lan rộng ra cả miền Nam “thành đồng Tổ Quốc”. Truyện ngắn ra đời năm 1965, cũng là năm bàn tay độc ác, đen tối của đế quốc Mĩ vươn ra miền Bắc. Chúng định dùng những “bóng ma”, “pháo đài bay” nhằm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Với kết cấu truyện như vậy, nhà căn đã khẳng định tinh thần “đồng khởi” của dân tộc Việt Nam với mục đích dập tắt cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bào của đế quốc Mỹ và tay sai. Do vậy, “Rừng xà nu” đã phản ánh một cách trung thực thinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên khi có một ý kiến cho rằng: “ Rừng xà nu” là sự thu nhỏ, cô đặc của tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Tuy nhiên, để hiểu sâu kết cấu này, ta nhận thấy “đồi xà nu” ở câu văn thứ nhất so với “rừng xà nu” của câu văn thứ hai thiếu đi sự lien kiết. Nhà văn đã mượn hình ảnh này để phản ánh tinh thần đấu tranh từ tự phát cá nhân sang tự giác cách mạng. Khoảng thời gian và không gian ấy chính là đồng bào Tây Nguyên đã giác ngộ nghị quyết mười lăm của Đảng”.
Phương diện 3.
Đứng trong chiến tranh khốc liệt nhưng xà nu vẫn bảo toàn, phát triển. Đó là nhờ vào tính liên kết, tinh thần đoàn kết của các thế hệ xà nu, các lớp người Tây Nguyên. Trong cánh rừng xà nu “nối tiếp nhau tới chân trời” ấy, Nguyễn Trung Thành đã nhận ra có ba lứa cây xà nu bện chặt vào nhau để vượt qua bom đạn. Tương ứng với ba lứa cây đó là ba thế hệ người Tây Nguyên. Nhà văn đã tập trung nhiều bút lực của mình để mô tả lứa cây trưởng thành. Mặc dù mang trên mình đầy thương tích nhưng với sức vóc lớn mạnh đã làm mờ đi vết thương. Những cây xà nu ấy không khác gì những con chim đã đủ lông mao lông vũ, ưỡn tấm ngực lớn của mình che chở cho buôn làng Xô Man. Tương ứng với lứa cây trưởng thành đó chính là thế hệ thanh niên như Tnú và Mai. Bên cạnh lứa xà nu trưởng thành là những cây xà nu đại thụ-chỗ dựa tinh thần của cả cánh rừng xà nu. Những cây xà nu ấy tương ứng với cụ Mết- vị già bản của buôn làng Xô Man. Thông qua lời nói “ Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo mác” của cụ Mết, Nguyễn Trung Thành đã truyền tải ánh sáng nghị quyết mười lăm của Đảng. Bên cạnh hai lứa xà nu trên còn có những cây xà nu non, vừa nhú khỏi mặt đất đã nhọn hoắt, kiên cường lao lên bầu trời, tiếp nhận ánh sáng. Đó chính là những thế hệ thiếu niên Xô Man như bé Heng, bé Dít. Không phải ngẫu nhiên khi nhà văn viết “Ba người đứng đó ….”
Tình thần đoàn kết toàn dân luôn là thứ vũ khí mạnh nhất chúng ta có được trong bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước. Truyện ngắn “Rừng xà nu” đã khẳng định lại chân lý ấy, đồng thời ngợi ca sức sống bất diệt của con người Việt Nam trong chiến tranh. Như vậy, “Rừng xà nu” xứng đáng là linh hồn của tập “trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Và Nguyễn Trung Thành xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn chương cách mạng
Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành Rating: 4.5 Diposkan Oleh: muabanbk.com